Thưa Bộ
trưởng, năm 2021, đại dịch đã tác động toàn diện nền kinh tế, nhưng ngành
LĐ-TB&XH đã thực hiện tốt các chính sách an sinh, kịp thời hỗ trợ người lao
động, người yếu thế trong xã hội, xin Bộ trưởng có thể chia sẻ đôi điều về năm
cũ?
- Đại dịch Covid-19, từ cuộc khủng hoảng về y tế dẫn đến biến động sâu sắc về mặt xã hội, trong đó có vấn đề việc làm, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2021, chúng ta đã quán triệt thực hiện phương châm của trung ương là vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo việc làm, an sinh xã hội và phát triển kinh tế.
Cho đến nay, nhìn một cách
tổng quát, trong muôn vàn khó khăn, chúng ta đã thực hiện các giải pháp, các
kết quả triển khai an sinh xã hội, làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo cho
người yếu thế tương đối tốt.
Đặc biệt, cả nước đã triển
khai tất cả các chính sách liên quan đến bảo trợ xã hội, chăm lo cho người có
công với cách mạng, thực hiện các chính sách chăm lo đời sống, nâng lương
cán bộ hưu trí, nhất là người nghỉ hưu trước năm 1995 và những người có mức
lương thấp. Đặc biệt, trong những ngày cuối năm 2021, chúng ta đã hoàn thiện
được đề án khôi phục phát triển thị trường lao động, chăm lo an sinh, triển
khai đồng bộ chính sách mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn
2021-2025.
Theo thống
kê, đại dịch tác động đến 40 triệu lao động với các mức độ khác nhau, ảnh hưởng
mọi mặt đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ người lao động
vẫn được làm sớm, làm tốt, Bộ trưởng có thể chia sẻ về những quyết tâm, cố gắng
của cả ngành LĐ-TB&XH trong thời gian qua để có những kết quả chưa từng
có?
- Năm 2021, Bộ tham mưu cho
Chính phủ các chính sách cơ bản như chính sách bảo trợ xã hội, chính
"quét" đến gần 4 triệu người; rồi tham mưu cho Chính phủ ban hành
Nghị định 75 điều chỉnh chính sách dành cho 9,8 triệu người có công với cách
mạng, cũng có hiệu lực năm 2022.
Bộ cũng tham mưu chính sách
hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động chưa có tiền lệ, tốc độ thực hiện
khẩn trương nhất, đầy đủ nhất, nhanh nhất. Anh em toàn ngành chúng tôi đã làm
ngày, làm đêm với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", tinh thần tất cả
vì người dân để thực hiện chủ trương của Đảng là không để ai bị đói, bị bỏ lại
phía sau.
Sau một thời gian, Chính
phủ đã ban hành Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116… với nhiều tác động lan tỏa rõ
rệt. Cho đến nay, mới 4 tháng thực hiện, chúng ta đã hoàn thành vượt mức kế
hoạch, giải ngân 76.029 tỷ đồng, với hơn 44 triệu người được thụ hưởng.
Quan trọng hơn, đại
dịch Covid-19 là
phép thử cho những cố gắng, nỗ lực cả hệ thống ngành LĐ-TB&XH. Bình thường,
hàng năm chúng ta chỉ hỗ trợ được với khoảng 1 triệu người nhưng năm nay, số
lượng hỗ trợ lên đến 44 triệu người. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ diễn
ra trong bối cảnh đặc biệt khó khăn, dịch bệnh tác động ghê gớm, đòi hỏi chúng
ta phải làm nhanh, không được bỏ sót ai.
Tôi cho rằng, đây là một
quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo, các cấp, các Bộ, ngành. Đặc biệt là
TPHCM, Hà Nội và 23 tỉnh thành thực hiện giãn cách, cũng thể hiện tinh thần,
trách nhiệm của anh em trong ngành Lao động - Thương binh và xã hội trong bối
cảnh đặc biệt khó khăn.
Mặc dù toàn
ngành đã đạt được những thành tích lớn, song năm 2021, những vấn đề như bạo lực
trẻ em vẫn chưa thể khắc phục với những vụ việc gây rúng động dư luận; lao động
di cư vẫn để lại ảnh hưởng tiêu cực cho đời sống xã hội, doanh nghiệp. Năm 2022
ngành LĐ-TB&XH cần phải làm gì để giải quyết những phát sinh, trăn trở hiện
nay?
- Đến giờ này, tôi thấy hai
điều phải chú ý, qua dịch bệnh vừa rồi. Đó là việc cấp thiết phải xây dựng mạng
lưới an sinh vừa rộng lớn, vừa bao phủ vừa bền vững. Mạng lưới an sinh này phải
làm sao phải giúp phòng ngừa, giảm thiểu và ngăn chặn được rủi ro cho người lao
động, cho người dân.
Thứ 2, phải xây dựng thị
trường lao động đồng bộ, lành mạnh, hiện đại và hội nhập với khu vực và toàn
cầu, tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam.
Thứ 3, những ngày cuối năm,
dư luận bức xúc là bạo lực trẻ em, phụ nữ. Đây là những vấn đề năm 2022 phải
rất chú trọng xử lý, khắc phục.
Công tác trọng tâm của
ngành năm 2022, phải làm tốt 3 nhiệm vụ, là "an sinh", "an
dân" và "an toàn". Ba thứ an này phải làm thật tốt. Nếu thực
hiện được 3 chữ an này, tôi tin, chương trình phục hồi kinh tế xã hội mà Đảng,
Nhà nước đặt ra hoàn toàn có thể đạt được. Muốn như vậy, phải tập trung các
nhiệm vụ chiến lược chương trình phục hồi KT-XH, đặc biệt là chương trình phục
hồi thị trường lao động, phục hồi đời sống của người dân, để tạo nền tảng làm
tốt ba chữ "an".
Trong năm 2021 vừa qua, anh
chị em cán bộ, nhân viên trong ngành, nhất là ở 23 tỉnh, thành phố phải thực
hiện giãn cách xã hội, đã có nhiều tuần, nhiều tháng không về nhà, nỗ lực triển
khai các chính sách an sinh, thực hiện các Nghị quyết 68, 116, tận tâm đưa từng
túi gạo, túi an sinh tới từng người dân trong vùng bị phong tỏa… Kinh nghiệm
rút ra sau thời gian ứng phó với dịch bệnh Covid-19, chúng ta phải xây dựng
được mạng lưới an sinh vừa rộng lớn, vừa bao phủ, vừa bền vững. Mạng lưới an
sinh này cần thực hiện được 3 mục tiêu: phòng ngừa; giảm thiểu và ngăn
chặn được các rủi ro cho người lao động, người dân.
Tập trung xây
dựng hệ thống an sinh đồng bộ, hướng đến tất cả các đối tượng với hai trụ cột
bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tạo phát triển bao trùm, bền vững, tạo việc làm
thỏa đáng cho người lao động. Từ những yêu cầu đặt ra như vậy, ngành
LĐ-TB&XH sẽ phải làm gì, thưa Bộ trưởng?
- Thứ nhất, ngay những
tháng đầu năm, phải triển khai thật tốt nội dung phục hồi kinh tế xã hội. Trong
đó, quan tâm căn bản sàn an sinh tối thiểu của người lao động là nhà ở; trực
tiếp giải ngân, hỗ trợ người lao động ở các khu công nghiệp, trọng điểm kinh
tế.
Thứ 2, tạo điều kiện để
người lao động quay trở lại làm việc tại các trung tâm công nghiệp, trung tâm
kinh tế.
Thứ 3 là tạo điều kiện
cho người lao động không thể quay trở lại nơi làm việc cũ được làm việc tại nơi
khác.
Với chương trình phục hồi
kinh tế xã hội mấy chục nghìn tỷ đồng, nên quan tâm tới việc cho vay mua nhà,
cho doanh nghiệp vay để phát triển nhà ở xã hội…
Ngoài ra cũng cần tập trung
xây dựng được dự báo cung cầu lao động, để làm nền tảng phát triển thị trường
lao động, đồng bộ, lành mạnh. Hướng đến thực hiện tốt giảm nghèo bền vững,
đa chiều, bao trùm (ngoài tăng thu nhập còn có y tế, giáo dục, nước sạch…)
Năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH
phải đột phá lớn, thực hiện chuyển đổi số, tạo sự thay đổi toàn diện và tập
trung vào các yếu tố như cung cầu lao động, chuyển đổi số trong giáo dục nghề
nghiệp, chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh, tiến tới mục tiêu, một người dân
chỉ cần một thẻ để thực hiện các chính sách an sinh xã hội; giáo dục nghề
nghiệp cần chuyển đổi phục vụ nhu cầu trong nước, ngoài nước để cung ứng thị
trường lao động quốc tế.
Để thực hiện tốt 3 chữ "an" như Bộ trưởng nói quả thật rất khó khăn, thách thức nhưng cũng là nhiệm vụ rất vẻ vang của ngành. Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung vào những chiến lược nào để đột phá chính sách, tạo kết quả vượt trội?
- Giải pháp đột phá vẫn là
phải tập trung cao nhất cho thị trường lao động, mà muốn thị trường lao động ổn
định, thì phải đổi mới căn bản giáo dục nghề nghiệp.
Thứ hai, tập trung hình
thành cung cầu lao động, để làm sao nâng cao tỷ lệ lao động lên, bởi hiện nay,
70% lao động của Việt Nam đã qua đào tạo nhưng chỉ có 24% có bằng cấp, mà muốn
đất nước phát triển thì đào tạo chất lượng cao phải là mũi nhọn. Năm 2022 trở
đi phải đặt nền móng cho hoạt động đào tạo nghề chất lượng cao.
Thứ ba, tôi vẫn nhắc nhiều
lần là phải xây dựng hệ thống an sinh, hướng đến để mọi người dân đều được tham
gia và thụ hưởng mọi thành quả của phát triển kinh tế xã hội.
Xin trân
trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Dantri.com.vn