Vận dụng cách làm hay
Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh thông tin, năm 2022, thị trường các nước đã đón người lao động trở lại làm việc. Tính đến nay, có trên 1.180 lao động đã xuất cảnh sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng, đạt 59% kế hoạch, tăng 240% so với cả năm 2021. Trong đó, lao động tập trung chủ yếu ở thị trường Nhật Bản (chiếm 78,4%), Đài Loan (chiếm 15,2%), Hàn Quốc (chiếm 4%) và một số nước khác.
Hầu hết các công ty dịch vụ đưa lao động đi làm việc nước ngoài trên địa bàn đều đánh giá cao về các cơ chế, chính sách của tỉnh dành cho người lao động hưởng lợi chế độ này. Đại diện Công ty Đầu tư hợp tác quốc tế Daystar cho rằng, tỉnh có chính sách rất tốt cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài (LVNN) theo hợp đồng, nhất là áp dụng chính sách cho vay lên đến 80 triệu đồng/người, cao nhất so với nhiều tỉnh, thành khác.
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tư vấn, giải đáp những thắc mắc liên quan đến hỗ trợ vay vốn cho lao động đi làm việc nước ngoài
Ngoài ra, một số địa phương như huyện Nam Đông rất linh động trong cho vay ban đầu đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, quân nhân xuất ngũ.
Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Nam Đông, ông Võ Phước Hóa chia sẻ: Để hỗ trợ vốn ban đầu cho lao động đậu phỏng vấn đi LVNN được học ngôn ngữ, kỹ năng cần thiết, huyện đã xây dựng và thực hiện Đề án "Hỗ trợ người lao động huyện Nam Đông đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giai đoạn 2021-2025" với hình thức "cho mượn 15 triệu đồng/người" trong thời gian 18 tháng. Sau 2 tháng từ khi người lao động xuất cảnh làm việc ở nước ngoài phải hoàn trả lại số tiền trên để tiếp tục "xoay vòng" cho những lao động kế tiếp được vay mượn.
Ngoài gói gói vốn vay của Nhà nước, một số địa phương hỗ trợ lao động vay vốn ban đầu để học ngôn ngữ, kỹ năng cần thiết trước khi xuất cảnh
Ngoài "cần câu" từ sự linh động, vận dụng của chính quyền địa phương còn phải kể đến vai trò "bà đỡ" từ nguồn ngân sách địa phương, Trung ương thông qua ngân hàng chính sách xã hội và các kênh tín dụng khác để giúp người lao động được vay vốn đi làm việc nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 121 trường hợp vay vốn để đi LVNN với số tiền 8,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách đã giải ngân là 7,2 tỷ đồng.
Tích cực, đồng bộ, kiên trì
Trong tổng số hơn 1.180 lao động LVNN từ đầu năm đến nay, Phú Vang và Phú Lộc là 2 địa phương có số lượng đông nhất, kế đến là TX. Hương Thủy, TP. Huế, Phong Điền...
Chia sẻ kết quả này, đại diện Phòng LĐTB&XH huyện Phú Lộc cho biết, địa phương tập trung vào công tác tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ, chọn "người thực việc thực" đi làm việc ở nước ngoài thành công, thoát nghèo, vươn lên khá giả để vận động bà con, láng giềng, người dân mạnh dạn đăng ký đi LVNN theo hợp đồng.
Lựa chọn nguồn, tạo nguồn và đầu tư, đổi mới chương trình đào tạo tại các cơ sở nghề nghiệp để tham gia thị trường lao động ngoài nước
Bên cạnh sự chủ động phối hợp, tạo điều kiện của địa phương, thời gian qua, Trung tâm DVVL tỉnh tăng cường phối hợp với các DN được Sở LĐTB&XH thẩm định đăng ký hoạt động, như: Suleco, Quinn, Daystar, Sao Kim, Hải Phong... tổ chức các hội nghị thông tin về đơn hàng, chính sách hỗ trợ, tư vấn chuyên sâu, tuyển lao động đi LVNN bằng trực tiếp và trực tuyến, trên các phương tiện thông tin đại chúng và triển khai các hoạt động tư vấn, tạo nguồn tại các điểm tư vấn, điểm vệ tinh ở các địa phương cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động thất nghiệp, thanh niên nông thôn, bộ đội xuất ngũ...
Ngoài ra, Trung tâm DVVL triển khai và hướng dẫn người lao động đăng ký ứng tuyển các đơn hàng đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, Nhật Bản theo Chương trình EPA và IM Japan, chương trình đưa hộ lý, điều dưỡng đi học tập và làm việc tại CHLB Đức do Bộ LĐTB&XH thực hiện...
Theo mục tiêu của ngành LĐTB&XH đặt ra trong năm tới, toàn tỉnh phải đưa được trên 2.000 lao động LVNN. Để đạt kế hoạch này, hiện các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương tập trung kết nối công tác đưa lao động với điều tra cung cầu lao động tại các địa phương, nhằm đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để nắm nhu cầu của người lao động. Trong đó tập trung tuyên truyền đến lực lượng thanh niên chưa tìm được việc làm, bộ đội phục viên xuất ngũ, học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề...
Các DN dịch vụ cũng như cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình phù hợp đảm bảo tạo nguồn lao động chất lượng; khai thác các đơn hàng chất lượng, uy tín để tạo lòng tin, điều kiện làm việc, thu nhập tốt cho người lao động.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG